Vì sao phải sử dụng xăng sinh học E5?

 09:00 SA @ Thứ Tư - 27 Tháng Mười Hai, 2017

Thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, kể từ ngày 1-1-2018, xăng sinh học E5 RON92 (gọi tắt là xăng E5) được đưa ra thị trường thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON92.

Petrolimex Tiền Giang hiện đã triển khai kinh doanh xăng sinh học E5. Ảnh: Minh Thành

Thân thiện với môi trường

Thực hiện chủ trương chung, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu chuyển đổi sang kinh doanh xăng E5. Công ty Xăng dầu Tiền Giang (Petrolimex Tiền Giang) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sản phẩm kinh doanh. Ông Phan Thanh Tâm, Chủ tịch kiêm Giám đốc Petrolimex Tiền Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Petrolimex Tiền Giang đã triển khai kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 ở các cửa hàng trực thuộc. Qua thời gian triển khai việc bán xăng E5 thay thế xăng RON92 truyền thống, thông qua công tác tuyên truyền và được sự tin tưởng của khách hàng, nên sản lượng bán ra của xăng E5 còn gia tăng hơn so với xăng RON92 trước đây. Hiện tại, giá xăng E5 cũng rẻ hơn xăng RON95 trên 1.000 đồng/lít.

Chưa kể, Petrolimex Tiền Giang cũng bắt đầu triển khai bán dầu Điêzen (DO) cao cấp theo tiêu chuẩn EURO 5 (mức V) có hàm lượng lưu huỳnh được kiểm soát ở mức rất thấp (tối đa là 10 mg/kg) trên địa bàn tỉnh. “Việc kinh doanh xăng sinh học E5 hay dầu Điêzen cao cấp tiêu chuẩn mức V (thay vì mức IV theo lộ trình) là nỗ lực lớn của Petrolimex để phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao nhất, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của động cơ, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường”- ông Tâm cho biết thêm.

CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như RON92 và RON95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng sinh học E5 được coi là thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học E5, lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội), xăng E5 hoàn toàn tương thích với các vật liệu của động cơ như đã dùng các loại xăng truyền thống. Không dừng lại đó, sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO. Do quá trình cháy xăng E5 được cải thiện nên lượng CO2 tính theo chu trình khép kín giảm do nguồn nguyên liệu sử dụng để sản xuất ethanol sẽ hấp thụ một phần.

Nguồn ethanol, liệu có đảm bảo?

Theo Bộ Công thương, hiện nay năng lực cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm) đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3 triệu tấn) xăng sinh học E5/năm. Ngoài 2 nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm, hiện trong nước còn 2 nhà máy với công suất 100.000 m3/năm (100 triệu lít/năm) tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy này đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch để đưa nhà máy hoạt động trở lại, dự kiến sẽ khởi động lại chậm nhất là cuối năm 2017. Khi cả 4 nhà máy cung cấp ethanol nhiên liệu đi vào hoạt động, với 100% công suất thiết kế, nguồn cung sẽ đạt 400.000 m3/năm.

Riêng về cây nguyên liệu sắn hiện được trồng từ miền Bắc tới miền Nam với diện tích vào khoảng 550.000 ha; tập trung nhiều nhất ở các tỉnh vùng Bắc Trung bộ - Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Diện tích sắn toàn quốc phát triển ổn định trong giai đoạn 2010 - 2016. Chưa kể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết các vùng trồng sắn trên cả nước, trong đó có tính đến các nhu cầu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol nhiên liệu cũng như các mục đích khác. Nhờ việc đưa các giống sắn mới và kỹ thuật canh tác phù hợp, năng suất sắn tăng liên tục trong giai đoạn 2010 - 2016, sau 5 năm năng suất tăng 12,9 tạ củ tươi/ha, năng suất sắn bình quân của cả nước năm 2016 đạt 19,17 tấn/ha. Trong năm 2016, tổng sản lượng sắn củ tươi của Việt Nam đạt khoảng 10,91 triệu tấn.

Trên thực tế, trong số các đầu mối kinh doanh xăng dầu mới có 5 thương nhân đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5 là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.

Bên cạnh 5 thương nhân đầu mối đã triển khai hoạt động các trạm trộn xăng E5, có 2 thương nhân đã triển khai trạm trộn nhưng chưa đưa vào hoạt động là Công ty TNHH MTV Thương mại dầu khí Đồng Tháp và Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Ngoài ra, một số các doanh nghiệp đầu mối khác cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư trạm trộn để sớm đưa vào hoạt động trong năm 2018 như: Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phúc, Công ty cổ phần Thiên Minh Đức, Công ty cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt, Công ty TNHH MTV Hải Linh...

Như vậy, chỉ tính riêng tổng công suất các trạm trộn xăng E5 từ 7 thương nhân đầu mối đã triển khai hoạt động sau khi nâng cấp, cải tạo và đầu tư thêm đạt khoảng 6,2 - 6,7 triệu m3/năm. Nếu tính cả các doanh nghiệp đang đầu tư mới các trạm trộn, theo kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2018, tổng công suất của các trạm trộn đạt khoảng 8,6 triệu m3/năm. Các trạm trộn được phân bổ rộng khắp các tỉnh thành từ miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

Nguồn:  Phương Anh
Báo Ấp Bắc